18/1/10

Trừng phạt hay yêu thương?

Chuyện tử tế (Trần Văn Thủy) kêu gọi người ta cần sống trong tình yêu thương với nhau. Các nhà làm phim cho rằng, để có một con người tử tế, đứa trẻ cần được giáo dục bởi tình yêu. 25 năm đã trôi qua, thông điệp của bộ phim tài liệu từng gây sóng gió này vẫn không hề cũ.Từ một bài báo cổ súy trừng phạt Thời gian gần đây, trên một số phương tiện truyền thông nổ ra cuộc tranh cãi về phương cách giáo dục trong nhà trường Việt Nam ngày nay. Đặc biệt gây chú ý là loạt bài của Tuổi Trẻ về vấn đề thầy cô giáo dùng hình phạt đòn roi với học sinh, trong đó bài Khi thầy cô có "bàn tay sắt" (Tuổi Trẻ Cuối Tuần 26.12.09) mang tinh thần cổ súy biện pháp trừng phạt dùng trong nhà trường để nghiêm khắc kiểm điểm học sinh. Sau khi vào đề với nhận định “rất nhiều bạn trẻ” coi việc bị trừng phạt là “kỷ niệm đẹp”, bài báo kết thúc bằng bảng thăm dò với 30 người chia làm ba nhóm mang tiêu đề “Chúng tôi đồng ý” với hình phạt trong trường học. Riêng nhóm 10 du học sinh ở nước ngoài, có tới 9 bạn đồng ý, thậm chí ý kiến giải thích tiêu biểu cho rằng “đòn roi, hình phạt thể xác tuy ảnh hưởng tới tâm lý”, nhưng “giúp có kỷ luật và trách nhiệm hơn trong việc học.”Ngoài tính vô nghĩa về mặt thống kê của bảng thăm dò ý kiến trong bài báo kể trên, nội dung của nó làm tôi không khỏi suy nghĩ và băn khoăn vì bản thân từng là học trò được giáo dục tại trường phổ thông ở Việt Nam. Phải chăng sự trừng phạt đã giúp tôi thành công? Hay chính tình yêu thương từ những người thầy người cô đã động viên và nâng bước tôi trên đường đời?Nhìn lại 3 năm đi nhà trẻ và 12 năm học phổ thông, ấn tượng tốt còn đọng lại trong tôi là về những người thầy tận tâm luôn yêu thương học trò. Họ biết rằng, mỗi học trò của mình là một cá thể riêng biệt với lòng tự trọng, có khả năng và mơ ước, có niềm tin và lòng phấn đấu, và tất nhiên, cũng có yếu điểm. Họ giúp tôi và các bạn của mình thổi bùng lên ngọn lửa của đam mê và khám phá. Vấp ngã hay thất bại của chúng tôi được động viên và chia sẻ. Những thầy cô như vậy không chỉ để lại kỷ niệm đẹp trong tôi mà còn trong các bạn của mình, cả người học giỏi năng lực cao và người học kém năng lực vừa phải. Ngược lại, những thầy cô dùng đòn roi làm hình phạt, trong ký ức của tôi họ đã biến thành những con người đáng thương hại, dù tôi biết rằng mình và các bạn đã từng bất bình biết bao.Đến tư tưởng giáo dục bằng yêu thươngYêu thương hay trừng phạt? Trong Emile hay là về giáo dục (1762) của triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), ông phê phán cách trừng phạt và giáo điều trong giáo dục: “Những ý tưởng đầu tiên của trẻ là những ý tưởng về quyền lực và khuất phục! Nó hạ lệnh trước khi biết nói, nó vâng theo trước khi có thể hành động, và đôi khi người ta trừng phạt nó trước khi nó có thể biết lỗi, hoặc nói đúng hơn là có thể phạm lỗi. Như vậy là người ta sớm rót vào trái tim non nớt của nó những đam mê mà sau đó người ta quy tội cho tự nhiên, và sau khi đã nhọc công làm nó thành tai ác, người ta lại phàn nàn vì thấy nó tai ác!” Sản phẩm được đào tạo bởi nền giáo dục dựa trên trừng phạt “vừa là nô lệ vừa là bạo chúa, đầy kiến thức và thiếu lương tri, yếu đuối bạc nhược về thể chất cũng như tâm hồn, và bị quẳng vào xã hội”. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, người viết lời giới thiệu cho cuốn sách dịch bởi Lê Hồng Sâm - Trần Quốc Dương ra mắt độc giả tiếng Việt năm 2008 tại nhà xuất bản Tri thức, nhận xét: “Vượt qua khoảng cách 250 năm, tưởng như Rousseau là người sống cùng thời với chúng ta, đang chia sẻ những nỗi lo âu và bất bình của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một nền giáo dục đang phạm nhiều sai lầm từ cơ sở triết lý, cách thiết kế cho đến phương pháp sư phạm với mọi hậu quả đáng sợ cho phụ huynh lẫn con cái.”Nhà sư phạm người Đức Friedrich Fröbel (1782-1852) là ông tổ của Kindergarten (vườn trẻ), một mô hình giáo dục trẻ mẫu giáo được áp dụng ở hầu khắp thế giới sau này, thậm chí từ Kindergarten được lấy nguyên sang Anh ngữ để chỉ vườn trẻ. Ông đề cao sự giáo dục con người bằng cách khuyến khích sự phát triển tự nhiên mà ở mỗi bậc, con người cần được là chính họ ở lứa tuổi đó, chứ không nên đốt cháy giai đoạn. Trẻ con cần được học hỏi tìm hiểu về thế giới thông qua trò chơi và các bài hát. Quan niệm về giáo dục của ông được đúc kết trong câu nói nổi tiếng: “Gương mẫu và tình thương, ngoài ra không gì khác”. Trong quan niệm giáo dục được tôn trọng toàn thế giới đó, không có chữ trừng phạt.*************(Bài viết này được hoàn thành theo lời kêu gọi của phanxine và bức xúc của chính bản thân marcus. Dự định đăng báo, nhưng chắc là khó đăng vì thấy tòa soạn suy nghĩ hơi lâu không trả lời nên thây kệ, đăng ở blog cái đã.)
...........
Bạn có thể đọc chi tiết bài này ở Blog : Marcus

Kagura07@ : Bài viết rất hay rất đáng để đọc & tham khảo , Tks tác giả nhìu ! Hihi…